* Giới thiệu về Go Seigen của một người hâm mộ. Nước cờ của ông ấy như chim trời: nhanh nhẹn và thanh thoát. Đột ngột các quân cờ quây chặt lại, rồi thoáng xuất hiện một vũ trụ những biến ảo ẩn chứa dưới bầu trời của thế cờ mà Go đã trải ra ngay từ khai cuộc. -Môt người bạn (Jan van der Steen) bình luận về các trận đấu của Go Seigen: "Go Seigen là thần tượng của tôi, vì 2 lý do:
Tất cả bọn họ đều là những kỳ thủ lớn. Nhưng không ai vĩ đại bằng Go Seigen. Go Seigen đã từng thống trị cờ vây Nhật Bản trong một phần ba thế kỷ. Và đó cũng là một phần ba thế kỷ mà Nhật bản là vùng đất duy nhất nơi cờ vây nở rộ. Tôi (Jim Yu) nghĩ rằng cứ khoảng 10 năm, lại xuất hiện một thế hệ kỳ thủ chuyên nghiệp mới. Như vậy, Go Seigen đã duy trì thách thức đối với 3 thế hệ những kỳ thủ xuất sắc nhất trong lịch sử. Đầu tiên là Kitani Minoru, người có lẽ có thể sánh ngang với Go Seigen nếu như ông không biến mất dần khỏi thế giới cờ vây sau Thế chiến thứ 2. Sau đó là Fujisawa Koranosuke ( người sau này đổi tên là Fujisawa Hosai), kỳ thủ đầu tiên đạt 9 dan, ( Go Seigen là người thứ 2), sau cái chết của kỳ nhân cuối cùng, Shusai. Cuối cùng, trong thập kỷ 50, là Sakata Eio và Takagawa Shusaku, nổi lên như những kẻ thách thức hàng đầu đối với Go Seigen. Nhưng không một ai từng đánh bật được Go Seigen khỏi chiếc ghế số một. Và chúng ta cũng không thể nói rằng những người đó là “yếu”. Thực tế là, bất cứ ai trong số họ đều phải được đánh giá ngược lại. Kitani Minoru, cùng với Go Seigen, đã sáng tạo ra cuộc cách mạng của “Những khai cuộc mới”, Ông ấy có lẽ còn nổi tiếng hơn bởi sự huấn luyện tuyệt vời của ông ( 5 trong số 6 “siêu kỳ thủ “ của thập kỷ 80 đã được nói đến ở trên, trừ Rin, là học trò của ông), nhưng với tư cách một kỳ thủ, đối với Go Seigen, ông ấy là “người hàng đầu trong những đối thủ mạnh nhất”. Hai người đã cùng viết nên một thời kỳ lịch sử gọi là “thời đại Go-Kitani”, trải dài một thập kỷ trước thế chiến thứ 2. Fujisawa có lẽ đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để đấu với Go Seigen, và điều đó đã tạo dựng nên một cuộc cạnh tranh đáng nhớ. Chỉ có một kỳ thủ đủ mạnh và mạnh đủ lâu để chơi 3 lọat đấu 10 trận với Go Seigen, và tên người đó là Fujisawa Kuranosuke ( sau này là Fujisawa Hosai). Và chúng ta cũng đừng quên rằng, Go Seigen chỉ từng thua duy nhất một lọat 10 trận trong suốt sự nghiệp của mình, và đó là trước Fujisawa. ( xảy ra trong thế chiến 2). Go Seigen bất bại trong tất cả các lọat đấu 10 trận kể từ sau đó. Sakata Eio. Chúng ta đều biết câu chuyện về ông ấy- người đã giành nhiều danh hiệu chính thức hơn bất cứ kỳ thủ Nhật Bản nào trong lịch sử cờ vây hiện đại. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, nhưng xấp xử khoảng “70 danh hiệu khi ông ấy 70 tuổi”. Bất cứ ai cũng có thể tự hỏi, làm thế nào ông ấy dành được nhiều danh hiệu đến thế? Takagawa Shukaku, ban đầu có tên là “Kaku”, không có chữ “Shu”. Ở Nhật Bản, chỉ có người dành danh hiệu Bản nhân phường mới được thêm chữ “Shu” vào tên của mình, và Takagawa hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý đó- ông ấy đã thắng liền 9 danh hiệu Bản nhân phường. Và đó cũng là thời điểm ông ấy thách thức Go Seigen. Đã có tổng cộng 7 loạt đấu 3 trận, tức là 21 trận, giữa 2 người. Takagawa thua 11 trận đầu tiên, và ông ấy đã làm được điều gì? Ông ấy thắng 7 trong số 10 trận còn lại. Đó có thể được cho là “mạnh”. Và tới đây, chúng ta có bức tranh toàn cảnh: Kitani, Fujisawa, Sakata, và Takagawa – ai trong số họ cũng từng là một kỳ thủ vĩ đại , những người đủ tài năng để thống trị thời đại của mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nó không xảy ra bởi một con người: Go Seigen. Go Seigen là người chiến thắng trong những người chiến thắng; Go Seigen là thiên tài trong số những thiên tài. Xem những trận đấu của Go Seigen luôn mang đến cho tôi niềm hạnh phúc. Không phải bởi vì tôi hoàn toàn hiểu được những nước đi của ông, và do đó, thưởng thức chúng ( thực tế là còn rất xa mới đạt được như vậy ); mà bởi, hình cờ và tốc độ của những nước đi của ông luôn soi sáng cho tôi. Go Seigen dường như luôn có một khả năng phi thường trong việc đơn giản hóa những xung đột nội tại trên bàn cờ. Đặc biệt là trong khai cuộc. Ông ấy thường chơi những nước “tenuki”- những nước mà - một cách cục bộ - lờ đi nước trước đó của đối thủ - và cũng do đó mà dẫn đến những tổn thất cục bộ, nhưng nói một cách toàn cục, ông ấy có thể chiếm ưu thế. Bởi ông ấy thường thích chơi ít nước hơn ở góc khai cuộc, các trận đấu của ông thường có tiến độ nhanh. Một cách rất nhanh chóng, các cuộc chiến trung bàn bắt đầu. Đó là những dạng trận đấu mà tôi muốn xem (và muốn chơi, tất nhiên, nếu tôi đủ mạnh). Vào trung cuộc, Go Seigen một lần nữa thể hiện sức cờ mạnh phi thường. Ông nhanh chóng ổn định những nhóm quân yếu của mình; ông nhanh chóng bắt đầu tấn công các nhóm quân của đối phương. Khi dùng từ “nhanh chóng” tôi không có ý rằng ông chơi hai hay ba lần nhanh hơn đối thủ (thực ra đôi khi ông cũng làm như vậy), ý tôi là ông có thể chỉ sử dụng một vài nước đơn giản để bắt đầu hoặc kết thúc một cuộc xung đột. Cuối cùng, bởi đối thủ không thể theo kịp tính hiệu quả trong nước cờ của ông, Go Seigen bắt đầu dẫn trước - một sự vượt trước mà trong sự nghiệp của mình, Go Seigen chưa bao giờ để mất. Bởi vậy, giai đoạn thu quan của Go Seigen thường hết sức đơn giản. Thường trong giai đoạn này rất khó để đơn giản hóa ván cờ. Nếu như, giả sử, có nhiều đường biên chưa được ổn định, cả hai người chơi phải nhanh chóng kết thúc chúng, trừ khi – như những ván đấu của Go Seigen- trận đấu kết thúc trước khi giai đoạn thu quan bắt đầu. Đó là tất cả những gì tôi thấy từ các ván đấu của Go Seigen. Tôi không thể nhìn ra tầm nhìn cục bộ hay toàn cục của ông ấy, và tôi cũng không thể theo kịp những tính toán sâu xa của ông. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy, là bề mặt của trận đấu, và bề mặt đó đủ sáng rõ để phản ánh phương pháp của ông. Cờ vây là một trò chơi đầy những xung đột, và nếu một người có thể giải quyết tất cả các xung đột đó bằng một phương pháp đơn giản, và chiến thắng, tôi có thể nói, đó là một thiên tài. Thiên tài đó là Go Seigen. Chú thích: Bài viết của Đỗ Trung Hiếu dịch từ chương 1 của cuốn "The Analyzed Games of Go Seigen".Cuốn sách này là một tập hợp các câu chuyện và các trận đấu được bình luận, được viết bởi Jim Z.Yu trong nhóm rec.game.go vào cuối năm 1993. Ông Yu đã dịch các trận đấu từ cuốn sách viết bằng tiếng Trung “Bình luận chi tiết các trận đấu của Ngô Thanh Nguyên” ( Ngô Thanh Nguyên là tên tiếng Trung của Go Seigen). Vui lòng ghi rõ nguồn và link tới bản gốc tại Thư Viện Cờ Vây khi chia sẻ trên các trang web khác, xin chân thành cảm ơn. |
Trang chủ > Những kỳ thủ nổi tiếng >