10 vị đại công thần của thế kỉ XX

posted Jul 25, 2013, 6:13 AM by Nhược Lạc   [ updated Jul 25, 2013, 6:31 AM ]
Go Seigen (Ngô Thanh Nguyên)

Với tài năng xuất chúng, từng được đánh giá là loại tài năng vài trăm năm mới xuất hiện, tiên sinh đã sáng tạo và hoàn thành lí thuyết về hiện đại hóa đường lối chơi cờ Vây. Tiên sinh không chỉ được coi là người độc chiểm đỉnh cao của thế giới cờ vây trong hơn 20 năm, mà sau khi đã nghỉ hưu, tiên sinh vẫn tận tâm nghiên cứu về "Cờ vây thế kỉ 21", nghiên cứu của tiên sinh trở thành cơ sở lí luận của cờ vây hiện đại. Trong các ván cờ của tiên sinh, nghệ thuật và thắng bại đã kết hợp với nhau một cách hoàn mỹ mà không có ai theo kịp. Đến tận bây giờ-sau khi tiên sinh đã về hưu hơn 50 năm, các ván cờ tiên sinh từng chơi, vẫn được các lớp kì thủ xem là tài liệu nghiên cứu kinh điển.



2. Kitani Minoru (Mộc Cốc Thực)

Được đánh giá là nhà giáo dục cờ vây thành công nhất thế kỉ, tiên sinh đã mở ra trường dạy cờ Mộc Cốc Thực và đào tạo được một hàng ngũ các kì thủ ưu tú hàng đầu Nhật Bản. Một trong số các học trò của Mộc Cốc Thực tiên sinh là Cho Chikun 9P (Triệu Trị Huân - người gốc Hàn). Thành công tại Nhật Bản của Triệu Trị Huân (vào giai đoạn 197x-198x) đã khích lệ sự phát triển của nền cờ Vây của Hàn Quốc như nấm sau mưa (dẫn đến việc Hàn Quốc có nền cờ Vây rực rỡ như ngày nay).




3. Cho NamChul (Triệu Nam Triết)

Tiên sinh là người mở đường và đặt nền móng cho nền cờ vây chuyên nghiệp của Hàn Quốc (cơ sở vật chất giúp tiên sinh hoàn thành sở nguyện là 2 hệ thống ngân hàng của gia đình và gia đình vợ). Nếu không có Triệu lão, tưởng rằng nền cờ Vây Hàn Quốc vẫn chỉ luẩn quẩn trong phạm vi các gia đình quyền quý, mà sự xuất hiện của các nhân tài kiệt xuất như Tào Huân Huyền, Lý Xương Cảo cũng còn lâu mới có. Triệu Nam Triết tiên sinh được giới cờ Vây Hàn Quốc tôn xưng là "Vi Kỳ chi Phụ" - cha của cờ vây.

Thành công của Triệu lão đối với nền cờ Vây hàn Quốc, được Ngô Thanh Nguyên tiên sinh cảm thấy hâm mộ (điều này - tự tay Ngô "Kì Tôn" chưa làm được với tổ quốc mình-dù rằng đóng góp của Ngô tiên sinh đối vời nền cờ vây thế giới là không cần bàn cãi).




4. Takemiyai Masaki (Vũ Cung Chính Thụ)

Tiên sinh là nhà nghệ thuật chân chính trong làng cờ, là nhà thám hiểm đường lối cờ Vây tốc độ-thế lực đến mức mạo hiểm. Mặc dù thành tựu của tiên sinh trong thắng-bại chưa đạt đến bản lĩnh đệ nhất, nhưng phong cách của tiên sinh thể hiện qua "Vũ Trụ lưu" khiến tiên sinh được ghi danh muôn thủa trong thế giới nghệ thuật. Lối cờ của tiên sinh luôn luôn có người yêu mến và nghiên cứu.

Một tay cờ đầu đàn trong giới cờ Việt Nam - anh Lê Mai Duy cũng là một fan hâm mộ nhiệt tình của Takemiyai Masaki.



5. Rui Nai Wei (Nhuế Nãi Vĩ)

Bà là một tượng đài lịch sử trong thế giới cờ Vây nữ. Trong khi cờ Vây được coi là độc quyền của nam giới, bằng tài trí phi thường, bà đã tranh được một địa vị đáng nể cho bản thân và cho nữ giới (đạt 9 đoạn chuyên nghiệp, từng trực tiếp hạ gục không ít cao thủ nam giới). Từ đây, độc quyền của nam giới trong cờ vây có chút lung lay.
Cống hiến của bà trong việc mở rộng và phát triển cờ Vây không chỉ dừng lại ở đó, mà cứ theo thời gian mỗi ngày mỗi lớn.



6. Chen ZhuDe (Trần Tổ Đức)

Khi là một kì thủ, tiên sinh là người Trung Quốc đầu tiên chiến thắng 9P của Nhật (Ngô Thanh Nguyên-Go Seigen từng thắng nhiều 9P Nhật và cũng là người gốc Trung Quốc nhưng đã nhập quốc tịch Nhật Bản từ lâu, trước khi tài năng bộc lộ trọn vẹn). Đóng góp của tiên sinh góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ của kỳ thủ Trung Quốc với cao thủ hàng đầu Nhật Bản (Ngược với sự phát triển liên tục và sáng tạo của nền cờ vây Nhật Bản, cờ Vây Trung Quốc trải qua nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh-lạc hậu, có hồi đã mai một ít nhiều. Chỉ sau đại cách mạng văn hóa, cờ Vây mới được ủng hộ phát triển ở Trung Quốc)

- Khi là một nhà lãnh đạo (tiên sinh từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng: trưởng bộ môn các loại cờ-bộ Thể thao, viện trưởng viện cờ, cố vấn-huấn luyện viên tuyển cờ vây TQ... nay đã nghỉ hưu), tiên sinh dẫn dắt cờ Vây Trung Quốc từ chỗ còn yếu kém, từng bước tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhân tài có cơ hội phát triển.
- Cống hiến của tiên sinh, đã đóng góp vào sự tiến bộ của cờ Vây Trugn Quốc: lần lượt vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc (mặc dù về nền tảng của 2 nền cờ Vây Trung-Han là ngang nhau, nhưng báo chí năm 2010 đã tổng kết trên số liệu thi đấu gần đây: cao thủ Trung Quốc và cao thủ Hàn Quốc đối kháng trong các cuộc thi quốc tế, thì tỷ lệ thắng thua là 6-4 nghiêng về Trung Quốc, trong khi cách đây mấy năm thì các cao thủ Hàn Quốc hầu như lấy hết ngôi đầu của các cuộc thi quốc tế)

Tiên sinh từng ghé thăm CLB cờ Vây Hà Nội năm 2008



7. Fujisawa Hideyuki (Đằng Trạch Tú Hành)

Tiên sinh không chỉ là kỳ thủ tài năng xuất chúng, mà còn là một nhà chủ nghĩa quốc tế trên mặt trận cờ Vây. Khi mà nền cờ Vây Nhật bản vẫn đang dẫn đầu tam quốc (Nhật-Trung-Hàn), tiên sinh đã không tiếc sức mình giúp đỡ các nền cờ Vây của Trung Quốc, Hàn Quốc. Niềm vui của tiên sinh là nhìn thấy sự tiến bộ, trưởng thành của các nền cờ vây bè bạn.


8. Cho HunHyun (Tào Huân Huyền)

Tiên sinh là nhà vô địch thế giới đầu tiên của nước Hàn Quốc-báo chí từng kể, ngày đón Tào tiên sinh khải hoàn, người ta đã dùng đến nghi lễ đón anh hùng dân tộc. Vói các chiến tích mà tiên sinh đóng góp , nền cờ Vây Hàn Quốc bắt kịp trình độ cao nhất của cờ Vây thế giới. Tiên sinh nuôi nấng bồi dưỡng cho học trò Lý Xương Cảo (Lee Changho) trở thành cao thủ đệ nhất thế giới, và tiến lên dẫn đầu cờ Vây thế giới.


9. Ying Chang Ji (Ứng Xương Kì)

Khác với các vị đại công thần có tên kể trên, Ứng tiên sinh không phải là một đại cao thủ cờ Vây, ông chỉ là người mê cờ và là một nhà sản xuất tên tuổi ở Đài Loan.

Công lao của ông là đề xuất tổ chức giải cờ vây quy mô thế giới (cho cao thủ chuyên nghiệp) từ năm 1988 (còn giải cờ Vây cho cao thủ nghiệp dư-WAGC-đã được tổ chức từ năm 1979 rồi)
từ đó, cái giải đấu lớn như: Fujitsu cup, Ying cup,TongYang cup, Samsung cup, LG cup,... mới bắt đầu được tổ chức (trong đó Ying cup do Ứng tiên sinh tài trợ, giải thưởng luôn được tăng dần cho tới khi đạt 1.000.000 USD cho giải nhất)

Vì vậy, năm 1988 được coi là năm bắt đầu của thời đại cờ Vây thế giới: "Thế giới Vi kỳ Nguyên niên".


10. Lee ChangHo (Lý Xương Cảo)

Lý Xương Cảo chính là "đệ nhất cao thủ thế kỉ 20".

Nếu Ngô Thanh Nguyên tiên sinh đã cải cách cờ vây bằng các sáng tạo trong các giai đoạn Bố cục và Trung bàn, thì Lý Xương Cảo cải cách cờ vây với các nghiên cứu giai đoạn Quan tử.
Phong cách và thành tích đáng kinh ngạc không ai theo kịp của anh khiến phong cách cờ vây có sự chuyển hướng: từ thiên hướng về nghệ thuật, trở thành có tính cạnh tranh đa dạng thiên về khoa học và thể thao.

Ảnh hưởng của anh đối với phong cách cờ vây như thế nào, có lẽ lịch sử sẽ có đánh giá chính xác.




Tổng hợp bởi anh Vũ Thiện Bảo - ttvnol.com

Nguồn: CLB Cờ Vây Hà Nội


Comments