[Giới thiệu] Thiếu nữ đánh cờ vây

posted Apr 28, 2010, 2:56 AM by Thư Viện Cờ Vây   [ updated Feb 6, 2011, 7:36 PM by Cờ Vây ]

Tôi ngã xuống người cô gái chơi cờ vây. Mặt em dường như hồng hơn ban nãy. Em mỉm cười. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ chơi tiếp ván cờ ở nơi xa kia. Để có thể ngắm nhìn người tôi yêu dấu, tôi đã cố gắng giữ cho mắt mở. Chiến tranh bao giờ cũng đau thương, mất mát.

Trong chiến tranh, số phận của con người trở thành bi kịch. Những thế hệ trẻ mãi đi tìm lý tưởng cho mình, để rồi cảm thấy mất phương hướng, chông chênh, vô định.

Phải chăng hạnh phúc là khi được xả thân cho Tổ quốc, trở thành anh hùng của dân tộc, niềm tự hào của gia đình, hay hạnh phúc là được chết bên cạnh người mình yêu dấu? Bi kịch tình yêu trong "Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Thiếu nữ đánh cờ vây" được đông đảo bạn đọc yêu mến có lẽ vì nó đã chạm đến đáy sâu tình cảm, về sự sinh tồn của người hiện đại.

Trong cái thế xung đột đẫm máu ở Trung Quốc, một khoảng trời bình yên hiện ra: “tại quảng trường Thiên Phong nho nhỏ, dưới lùm cây tỏa bóng, hai nhân vật chính nam và nữ gặp nhau cạnh chiếc bàn đá có khắc sẵn bàn cờ. Nhân vật nam là một gián điệp Nhật Bản, lạnh lùng tàn nhẫn mà si tình, nhân vật nữ là một cô gái Trung Quốc mới mười sáu tuổi, thuần khiết mà không ngây thơ, thông minh chứ không tàn nhẫn. Một ván cờ vây, cũng đủ để đánh mất mình trong chốn mê cung tình cảm. Mỗi ván cờ bày ra, là một giấc mơ diệu kỳ, khép một ván cờ, ai nấy lại trở về với thực tại phũ phàng. Thế giới của kỳ thủ nam là doanh trại, là phạm nhân chiến tranh, là tù ngục và thuốc súng, còn thế giới của kỳ thủ nữ là một gia đình quý tộc đã sa sút, là đoàn thể thanh niên chống Nhật, là ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc đang rên siết dưới gót giầy quân Nhật”.

Trong bối cảnh hai nền văn hóa đối địch, "Thiếu nữ đánh cờ vây" đã chứng tỏ“ đàn ông và đàn bà vẫn có thể đến với nhau và yêu trong sự đối lập, vẫn có được giây phút thăng hoa của tình yêu. Đó là một giấc mơ. Mong sao những cảnh trầm luân và ái tình trong giấc mơ sẽ khiến con người tỉnh táo trước hiện thực, có được khát vọng và niềm tin cháy bỏng về hạnh phúc và tương lai.

Họ đến với nhau, khám phá nhau trong những ván cờ. Chỉ qua những nước cờ, họ đi sâu vào tâm hồn của đối phương. Chỉ nhìn vào mắt nhau mà không cần nói một lời nào, họ biết mình không cưỡng lại được sức cám dỗ của tình yêu.

Bi kịch là ở chỗ đó. Họ yêu nhau khi mỗi người đều có một thế giới, một nền văn hóa, một lý tưởng riêng. Anh ấy luôn tự hỏi rằng: Nhưng tôi là ai mới được chứ? Tôi không trả lời được. Nhưng ít ra tôi biết tôi sống vì lý do gì: thể xác tôi đã chín, óc tôi đã nghi ngờ, đã yêu, đã tin tưởng, đó sẽ là bó hoa lửa tôi dành dâng lên Tổ quốc tôi. Tôi sẽ bùng cháy trong đêm chiến thắng. Anh ấy yêu cô mà không hề biết cô ấy tên gì, bao nhiêu tuổi, cô ấy đang làm gì. Cô ấy tựa như ngọn núi nổi bật trên bầu trời đầy mây để rồi lại chìm lắng trong sương mù.

Đớn đau thay, làm sao anh có thể đến được với cô mà không phản bội Tổ quốc? Chỉ có cái chết mới có thể giúp cho đôi tình nhân được hạnh phúc ở thế giới bên kia. “Vì em anh sẽ từ bỏ cuộc chiến này, anh sẽ phản bội Tổ quốc anh. Vì em anh sẽ là một thằng con bất hiếu, một kẻ làm nhơ nhuốc dòng họ của mình. Tên anh chẳng bao giờ có trong đền thờ những anh hùng. Anh là kẻ bị nguyền rủa”.

Trên bàn cờ là mặt biển nổi sóng, sóng đen, sóng trắng xô vào nhau. Gần bốn bờ, sóng dồn lại, cuộn xoáy và lại lao lên. Hòa trộn vào nhau, đè nghiến lên nhau để rồi lại ôm xiết nhau chặt hơn bao giờ hết.

P.N.N.N

Nguồn: Thư viện Online (link: http://thuvienonline.sachhay.com/book/200909182300/thieu-nu-danh-co-vay.aspx )

Comments