Cảm xúc Cờ Vây

5 lý do khiến giới trẻ nên chơi cờ vây

posted Aug 21, 2013, 12:18 PM by Nhược Lạc   [ updated Aug 21, 2013, 7:40 PM ]

 
Cờ Vây
được sáng tạo từ Trung Quốc khoảng 2500 năm trước, chưa phổ biến ở Mĩ nhưng xứng đáng có một lượng khán giả đông đảo hơn. Đặc biệt là giới trẻ có thể dễ dàng ứng dụng những bài học có được từ cờ vây vào cuộc sống và mang lại nhiều hứng khởi trong suốt quá trình ấy. Sau đây là 5 lý do khiến người trẻ nên chơi cờ vây:

1, Cờ Vây giới hạn về luật lệ nhưng vô hạn về chiến thuật

Giới trẻ hiển nhiên là những người có tư duy độc lập, và cờ vây đem lại cho bạn trải nghiệm về sự tự do. Bạn bắt đầu với một bàn cờ trống và thoải mái lấp đầy bằng các quân cờ theo ý muốn của mình. Quy tắc quan trọng nhất là bạn phải vây bắt quân đối phương, hay nói cách khác, hãy gom chúng lại. Cờ Vây thực sự tự do hơn nhiều so với các loại cờ khác (như cờ vua). Do đó, nó kích thích tối đa tư duy sáng tạo.

2, Cờ Vây rèn luyện trí tuệ tốt hơn sudoku

Tuy cờ vây có vô vàn những cách giúp bạn hạ gục đối thủ của mình, nhưng nó cũng dạy cho bạn những bài học để trừng phạt tính tham lam và thiếu suy nghĩ. Cờ Vây mang đến cho bạn một cái nhìn cụ thể về “đời sống” và rèn luyện trí não bạn. Ở một khía cạnh nào đó, nó cũng giống như những bài giảng về triết học.

3, Thử thách tuyệt vời dành cho giới trẻ

Chặng đường từ 30 kyu (yếu nhất) lên tới 9 đẳng (mạnh nhất) là rất dài và vô cùng gian nan. Quá nhiều người đã đặt mục tiêu phải trở thành shodan - một cấp bậc rất cao, nhưng chỉ một vài trong số đó thực sự chạm tới được. Nếu bạn trẻ nào đó vẫn luôn mang trong mình thói tự mãn và kiêu ngạo, hãy để họ thử sức với cờ vây. Phần lớn người chơi dễ bỏ cuộc vào thời điểm bắt đầu. Nhưng nếu vượt qua được, họ sẽ nhận ra đó là chặng đường dài nhưng kỳ diệu, thách thức họ khám phá bản thân mình.

4, Cờ Vây có nhiều nét tương đồng với lập trình máy tính


Phát triển phần mềm là một trong những lĩnh vực hiếm hoi vẫn rất “hot” trong nền kinh tế đang xuống cấp như hiện nay. Rất nhiều các bạn trẻ ra sức nâng cao khả năng lập trình của mình với hy vọng kiếm được một công việc tốt. Cờ Vây và Lập trình có khá nhiều điểm tương đồng như xử lý tình huống, giải quyết các sự cố, và tạo ra nhiều sự hứng thú. Thế nên, tại sao không đồng thời học luôn ngôn ngữ của máy tính kết hợp với với ngôn ngữ tạo hình trong cờ vây?

5, Bạn có thể chơi cờ vây trên máy vi tính


Chúng ta ngày càng sử dụng máy vi tính nhiều hơn. Vậy tại sao không chơi cờ vây trên máy tính? Có rất nhiều trang mạng tuyệt vời để chơi và cải thiện khả năng cờ vây của bạn, như KGS, Wbaduk, Tygem,..v..v.. Bạn chỉ cần một chiếc vi tính có kết nối internet và sẵn sàng để bước vào thế giới tuyệt vời của Cờ-Vây-trên-mạng.

Giờ thì bạn đã sẵn sàng để bắt đầu với cờ vây chưa, hỡi những người trẻ?

Nguồn tham khảo: Polycymic

Người dịch: Truy Lãng, Nhược Lạc @ Thư Viện Cờ Vây

Đọc thêm: Làm thế nào để chơi cờ vây | Hãy yêu một cô gái chơi cờ vây

Làm thế nào để khỏi chơi cờ vây

posted Jul 17, 2013, 9:09 PM by Nhược Lạc   [ updated Jul 17, 2013, 9:11 PM ]

Trong bài viết này, mình giới thiệu "Những vấn đề và cách hiểu không chính xác trong cờ vây" của tác giả Yuan Zhou, bài viết này dành cho các bạn có trình độ kyu.



Những lỗi này sẽ dễ thấy hơn nếu chúng ta xem xét chi tiết và một ván cờ, nhưng tôi (Yuan Zhou) muốn nêu ra trước dể các bạn tiện theo dõi.

Một lỗi phổ biến đó là "theo đuôi đối phương", khi đối thủ của bạn ra một nước cờ thì bạn liền đáp trả ngay nước cờ đó trong khu vực đó. Điều này thể hiện bạn đã ngầm hiểu đối phương đã đi vào một vị trí đúng và quan trọng trên bàn cờ. Nhưng mà bạn cũng phải hiểu, đối phương của mình chỉ là một kỳ thủ cùng cấp độ kyu với mình thì rất có thể sẽ mắc phải sai sót, ngoại trừ đó là tình huống cực kỳ nghiêm trọng như sống chết; do vậy bạn cần phải suy nghĩ một chút về ván cờ, tình hình hiện tại, để xem có một nước quan trọng nào hơn, hoặc một nước nào lớn hơn hay không. Điều này rất quan trọng xuyên suốt toàn bộ ván cờ.

Khi "theo đuôi đối phương" thì bạn sẽ không nghi ngờ gì sẽ mắc một lỗi tiếp theo, "không chú ý đến vấn đề toàn cục". Các kỳ thủ trình độ kyu thường có nhiều nước cờ mang tính cục bộ và thường thì cả hai phía đều bỏ qua những nước lớn tiềm năng khác. Và tiếp sau đó là lỗi"hành quân chậm", như là nối quân ngay khi bạn bị đe dọa cắt (peep) hoặc siết khí lập tức mà chưa chuẩn bị việc hành quân ra sao.

Một lỗi phổ biến khác là "không xem trọng sente". Nước tiên đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nó như là sức mạnh và sự tự do, điều mà bạn sẽ rất cần trong cuộc sống của mình, và bạn sẽ phải thấy rằng kết thúc một đợt tấn công hoặc phòng thủ mà bạn bị mất sente thì bạn sẽ bị chậm 1 nước.

Điểm quan trọng không kém là "sự ghen tỵ", khi so sánh tiềm năng của mình và đối phương, không phải lỗi ở chỗ bạn tính chính xác sự khác biệt là bao nhiêu mục, mà bạn liền nhảy vào phá đất, tạo ra nhiều khó khăn cho bản thân mình hơn. Nghi vấn mà bạn cần đặt ra không phải là đối phương đã tạo ra vùng đất lớn như thế nào, mà bạn phải quan tâm khi đối phương có nhiều đất hơn bạn, hai vấn đề này là hoàn toàn khác biệt nhau. Bạn chỉ nên đả nhập một cách nghiêm trọng khi tiềm năng của đối phương lớn hơn bạn và trên bàn cờ không còn khu vực nào để tranh giành. nhằm cần bằng lãnh thổ.

Tiếp theo, bạn phải nhớ rằng mỗi nước đi của mình đều liên quan đến "bố cục toàn ván cờ", mỗi bước đi phải dựa trên sự phán đoán toàn cục đó. Câu hỏi thường trực trong bạn khi đến lượt mình đi không phải là "Mình sẽ phòng thủ nước đó như thế nào ?", mà bạn phải tự hỏi "Liệu mình có tìm ra được vị trí nào khác có giá trị hơn trong cuộc đua đường trường không ?". Sự phấn khích thật sự của bạn đối với cờ vây sẽ xảy ra khi bạn hiểu được một bước đi liên quan đến toàn thế cuộc, cũng giống như cuộc sống thực tại, nhiều lúc bạn "think small" nhưng đôi lúc bạn phải biết "think big". Bạn hành động mà không quan tâm đến toàn cục thì sẽ dẫn đến những vấn đề mà bạn sẽ giải quyết được hoặc không, và bạn cũng sẽ không thấy tự hào khi dẫn dắt toàn quân của mình vào chỗ nguy hiểm như vậy.

Một màu hồng của các kỳ thủ kyu đó là "bài ca hy vọng", hy vọng rằng đối phương sẽ không đi vào vị trí này hoặc vị trí kia khi mà bạn nhận ra tầm quan trọng của nó nhanh hơn. Bạn chưa học cách giả sử rằng đối phương cũng hiểu rõ những biến thể của hình cờ như mình, và hy vọng rằng những đáp trả "đều theo sự sắp xếp" của bạn.

Và cuối cùng, bạn phải dành một khoảng lặng để suy nghĩ điều sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho mình, nếu đó là tấn công thì lợi ích lớn nhất là gì, và cũng như vậy khi bạn phòng thủ. Khi bạn quá phấn khích tấn công đối phương thì đó không bao giờ là cách thức mà bạn sẽ tìm ra một nước cờ nào đem lại lợi ích lớn nhất cho mình.

Nguồn: La Quang Tien's Blog

Tinh hoa cờ vây không đặt trong sự thắng thua

posted Jun 19, 2013, 5:59 PM by Nhược Lạc   [ updated Jun 19, 2013, 6:00 PM ]

Cầm, Kỳ, Thư, Họa, là bốn bộ môn nghệ thuật văn hóa của Trung Hoa thời xưa. Kỳ chính là chỉ về Vi Kỳ, có nghĩa là cờ vây, mà ngày nay chúng ta gọi giản dị là cờ Go. Đi cùng với tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo và những môn văn hóa nghệ thuật khác, nó là một phần trong lịch sử nền văn minh hằng ngàn năm của Trung Hoa.

Vi Kỳ có một lịch sử rất lâu dài. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của nó, trong đó có một thuyết được khá nhiều người công nhận là nó được khởi đầu từ thời Nghiêu đế. Trương Hoa, thời nhà Tấn, đã viết trong sách “Bác vật chí” rằng: “ Vua Nghiêu tạo ra môn chơi cờ vây để dạy dỗ Đan Chu, con trai của mình”. Trong đó còn nói vua Thuấn cảm thấy con mình là Thương Quân không được thông minh lắm, cũng từng dạy dỗ con bằng bàn cờ vây. Trong “Lộ sử hậu ký” của La Bí, thời đại nhà Tống, có nói rằng: Vợ của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sanh được một con trai, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị đạo tiên để xin được chỉ bảo cách dạy con. Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, ông nhìn thấy hai vị tiên đang ngồi đối diện nhau ở dưới cây tùng. Ông ngắm họ đang vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hàng vẽ như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến xin hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình Đan Chu. Một vị tiên nói : “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện gì hắn khá mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”. Còn vị tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng nói rằng: “Cái này gọi là bàn cờ Vi Kỳ. Bàn cờ này hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những viên đá kia hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể phá giải nó hoàn toàn được”. (trích từ Lịch đại Thần Tiên thông giám ). Sau đó Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi cờ vây, và quả thật tính nết cũng thay đổi thành tốt hơn. Do đó mà thấy, người xưa sáng lập môn cờ vây, không phải vì để tiêu khiển thời giờ và học cách tranh giành hơn thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh trí tuệ, và biểu lộ tài năng nghệ thuật của người chơi. Vả lại cờ vây còn có tương quan liên hệ đến thiên tượng dịch lý, binh pháp chiến lược,và vấn đề trị quốc an dân.

Trong sách “Tả truyện”, sách “Luận Ngữ” của Khổng Tử, và sách “Mạnh Tử”, cũng chỉ rõ rằng cờ vây rất thịnh hành ở thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc. Vào lúc phồn thịnh nhất của triều đại nhà Đường, cờ vây cũng được phát triển rất nhiều. Vua Đường Huyền Tông đặc biệt đặt ra một chức quan trông coi về bộ môn cờ vây, gọi là “Kỳ đãi chiếu”, chức quan này mang bậc cửu phẩm, cùng với chức quan “Họa đãi chiếu”(trông coi tranh vẽ), và “Thư đãi chiếu” (trông coi thư pháp) đều thuộc về Hàn Lâm viện, do đó mới có tên chung là Hàn Lâm

Một số những thầy chơi cờ vây giỏi ngày nay cho rằng bàn cờ vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể họp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, và 361 điểm tổng cộng. Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm-lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ giống như là hình tượng biến hóa của Trời và Đất .

Xem cách bố cục những điểm đen và trắng trong quyển sách cổ ‘Hà Đồ’ và quyển ‘Lạc Thư’ thuộc bộ ‘Chu Dịch bổn nghĩa’ , rất có thể cờ vây và 2 quyển sách này đều có những nguồn gốc thâm sâu. Giống như quyển Lạc Thư, bàn cờ vây có 361 giao điểm, 8 ngôi sao tinh tú chỉ phương vị, và 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi, mà tương ứng với 360 ngày, 8 quẻ bát quái (càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn), và 72 loại thời tiết. Con cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới phẳng ngang, phân biệt nhau bằng hai mầu trắng và đen, tượng trưng cho Âm và Dương. Trong sách Kỳ Kinh, thuộc thời đại Nam-Bắc triều, tìm thấy trong động đá Mỗ Cao ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, có nói rằng “ 361 đường là phỏng theo con số của Chu Thiên”

Từ góc độ của người tu luyện mà xét, thì cũng như Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, cờ vây không phải là văn hóa của nền văn minh nhân loại thời kỳ này sáng tạo ra, mà là văn hóa thuộc về nền văn minh tiền sử. Thật ra, chúng đều là văn hóa do chư Thần truyền xuống cho nhân loại. Trong sách “Lê Hiên Mạn Viễn” có viết rằng: “Vi Kỳ ban đầu không phải là sự việc của nhân gian. Nó được phát hiện đầu tiên trong sự khai quật phần mộ của vua Chu Mục Vương, nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, và sau đó còn nhìn thấy trong một thạch thất nằm trên núi Thương Sơn. Nó là dụng cụ cho các vị đạo tiên nuôi dưỡng tính nết và vui chơi với Đạo.”

Cờ vây có hình thức rất giản dị. Chỉ có 2 loại quân cờ đen và trắng, và luật chơi cũng rất đơn giản. Tuy nhiên sự huyền diệu của nó lại vượt xa hơn cả bất cứ loại cờ nào. Chỉ có 361 điểm cho quân cờ, nhưng sự biến ảo là hầu như vô tận. Trầm Quát viết trong sách “Mộng Khê Bút Đàm”, khi bàn đến số lượng biến ảo của cờ vây đã nói rằng “nó lên tới con số 3 luỹ thừa 361 lần”

Cờ vây rất là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, nếu chỉ dùng trí tuệ con người thì không thể nào hiểu thấu đáo được. Là một phần văn hóa do chư Thần lưu lại cho con người, từ thiên cổ đến nay, cờ vây đã được biết bao bậc đế vương, quan tướng, văn nhân nho sĩ cũng như thường dân thưởng thức. Nó cũng mang lại biết bao giai thoại truyền kỳ, văn chương thi phú đẹp đẽ, ngay cả sách viết về binh thư toán pháp và phương lược trị quốc. Cờ vây là một đóa hoa đẹp đẽ trong lịch sử của nền văn minh Trung Hoa.


Chú thích:

-Dịch từ bản gốc Hán văn

-Và Anh ngữ tại đây


Tác giả: Clearwisdom

Nguồn bài viết: Việt Đại Kỷ Nguyên





Trân Lung Kỳ Trận

posted Jun 13, 2013, 2:40 AM by Nhược Lạc   [ updated Jun 13, 2013, 2:40 AM ]

Là một thế cờ vây trong tiểu thuyêt võ hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung.

Lai lịch

Thế cờ Trân Lung do chưởng môn nhân phái Tiêu Dao Vô Nhai Tử sáng tác ra và truyền lại cho đại đồ đệ là Lung Á lão nhân Thông Biện tiên sinh Tô Tinh Hà.

Mô tả

"Trân Lung tức là nạn đề của môn cờ vây. Đó là cờ thế do người ta cố ý bày chứ không phải do hai người đánh cờ mà thành, do đó hoặc sinh, hoặc kiếp nước nào cũng thật khó mà đoán được. Những thế Trân Lung tầm thường, ít thì mươi quân, nhiều có khi lên đến bốn năm chục quân, thế nhưng bàn cờ này có đến hơn hai trăm, gần như kín cả bàn cờ rồi."

"Trên bàn cờ trong kiếp có kiếp, lại có cộng hoạt, lại thêm trường sinh, hoặc phản phác, hoặc thu khí, tụm năm tụm ba mỗi chỗ một nhóm thật là phức tạp."

Xuất hiện

Thế cờ Trân Lung xuất hiện trong Thiên Long bát bộ khi mà Lung Á lão nhân Tô Tinh Hà phát thiệp mời các anh hùng hào kiệt, tuổi trẻ tài cao đến phá giải. Tuy nhiên, mục đích chính của việc phá giải thế cờ này lại hệ trong hơn nhiều. Chẳng là sư phụ ông, chưởng môn phái Tiêu Dao là một cao nhân kỳ tài đương đại, không những võ công cao thâm mà cầm kỳ thi họa không gì không giỏi, chẳng may bị phản đồ Đinh Xuân Thu mưu hại đến mức tàn phế. Lão muốn tìm một người trẻ tuổi, anh tuấn, để truyền lại một thân công phu tuyệt thế để thay lão đi giết Đinh Xuân Thu. Vì vậy, thế cờ Trân Lung – một siêu phẩm do lão kỳ công 3 năm bày ra – được sử dụng để tuyển chọn cao đồ. Một là lão thân hình tàn phế, hai là phải trốn tránh Đinh Xuân Thu nên từ việc phát thiệp mời, đến việc ứng cờ tỉ thí đều do Tô Tinh Hà đảm nhiệm.

Những người phá giải

  • Đoàn Dự - Thế tử nước Đại Lý : Đi được 10 nước thì xin thua.
  • Phạm Bách Linh – Đồ đệ của Tô Tinh Hà (đã bị đuổi khỏi sư môn) : Chỉ nhìn qua chưa kịp hạ quân thì tâm thần đại loạn, hộc máu tại đương trường.
  • Mộ Dung Phục – Chủ nhân Yến Tử Ổ, Giang Nam, được ví là rồng phượng trong loài người : Đi một vài nước rất cao minh, tuy nhiên bị Cưu Ma Trí dẫn dụ vào bến mê, tẩu hỏa nhập ma, suýt mất mạng.
  • Cưu Ma Trí – Quốc sư nước Thổ Phồn: Không phá giải mà chỉ ứng cờ với Mộ Dung Phục, một mặt y muốn chứng tỏ thế cờ này chỉ là trò đùa đặt ra để hại người.
  • Đoàn Diên Khánh – Thủ lãnh Nhất Phẩm đường Tây Hạ, đứng đầu Tứ đại ác nhân: Đi được hơn hai mươi nước cực kỳ cao minh. 10 nước đầu lão đi theo con đường chính, 10 nước sau lại đi theo đường tà, càng lúc càng lấn sâu, không cách gì vãn hồi được. Sau bị Đinh Xuân Thu dùng miên thuật dẫn dụ, suýt nữa mất mạng.
  • Hư Trúc – Nhà sư đời thứ 3 trong chùa Thiếu Lâm, lần đầu tiên xuất sơn : Không có mục đích phá giải kỳ trận, chỉ là muốn cứu người nên đặt bừa một quân, sau bị Tô Tinh Hà bắt phải đánh tiếp vì lão cho là y phá phách kỳ trận, khinh khi tiên sư lão.

Huyền cơ

“Bàn cờ Trân Lung này biến chuyển hàng trăm lối, tùy theo người mà thành, kẻ tham tài thì vì tiền bạc mà thất cơ, kẻ nóng tính thì vì sân hận mà hỏng việc. Đoàn Dự thất bại vì ái tâm quá nặng, không dám bỏ quân; Mộ Dung Phục thua, chỉ vì chấp trước quyền uy, tuy dám thí quân nhưng không chịu thất thế. Còn Đoàn Diên Khánh thì mối hận to lớn nhất trên đời là sau khi tàn phế, đã bỏ võ công chính tông của bản môn, chuyển sang tập luyện bàng môn tà thuật, đến lúc toàn tâm toàn ý tập trung vào đó thì ngoại ma xâm nhập, để đến tâm thần hoang mang không còn tự chế được nữa.”

Phá giải


Sau khi các cao thủ vi kỳ như Đoàn Dự, Phạm Bách Linh, Mộ Dung Phục, Đoàn Diên Khánh thất bại, Đoàn Diên Khánh bị tẩu hỏa nhập ma, rút trượng đâm vào ngực tự vẫn, Hư Trúc muốn cứu người nên đặt bừa một quân để làm choàng tỉnh tâm thần Đoàn Diên Khánh, ngăn không cho lão tự tử nữa. Không ngờ một cái đặt bừa ấy tuy là đã giết chết mấy chục quân bên mình nhưng lại tạo ra một thế trận sáng sủa hơn, có đường tiến đường lùi, không bị gò ép như trước. Đây chính là yếu điểm của Trân Lung kỳ trận.
Cục diện lúc đó như sau:

"Thì ra khi y nhắm mắt để đại xuống một quân, sao lại trúng ngay một đám quân trắng đang bị quân đen bao vây không còn hở chỗ nào lọt ra được. Đám quân trắng đó vốn dĩ còn một nước nữa, quân đen lúc nào đặt xuống cũng ăn sạch, nhưng nếu như đối phương không rảnh rỗi để hạ kỳ thì cũng còn có đường sống, mà bên trắng cố gắng vùng vẫy cũng chỉ ở một nước đó mà thôi. Thế nhưng lúc này y lại đem quân mình ăn quân mình, trong phép chơi cờ chưa từng có ai đi lối tự sát như thế. Quân trắng chết rồi, phe mình coi như tan rã.

Ngờ đâu sau khi y nhắm mắt đặt một quân giết của mình một khối lớn rồi, cục diện lại thấy thông tỏ hơn, bên quân đen tuy có lợi lớn nhưng quân trắng lúc này cũng còn có cơ chống đỡ, không phải như trước bó chân bó tay, được chỗ nọ mất chỗ kia.

Đoàn Diên Khánh nắm ngay được cái bí ảo của bàn cờ Trân Lung này. Đó là bên trắng phải tự giết một số quân của mình trước, sau đó những chỗ kỳ diệu mới liên tục sinh ra. Trong phép đánh cờ có những nước phản phác, đảo thoát ngoa, tự mình cố ý đi vào chỗ chết để nhử cho đối phương ăn quân, sau đó sẽ lật ngược thế cờ nhưng có chết nhiều lắm cũng chỉ tám chín quân, chứ đời nào lại nhường đến mấy chục quân bao giờ. Phép “tự mình giết mình” quả là trong môn cờ vây nghìn năm chưa ai thấy, dù cho loại cao thủ đến mức thần thánh cũng không ai dám nghĩ đến một nước cờ như vậy"
Sau khi đi bừa một quân, cục điện đại khác, Hư Trúc được Đoàn Diên Khánh dùng Phúc Tâm thuật chỉ điểm, cuối cùng phá được Trân Lung kỳ trận.

Ý nghĩa

Trân Lung kỳ trận là điểm bắt đầu cho một loạt những kỳ duyên mà nhà sư Hư Trúc của chùa Thiếu Lâm gặp phải. Cũng từ đây, Hư Trúc bước vào vòng xoáy của cuộc đời, nó khác xa với những gì y được thấy, được học trong suốt 24 năm nơi chùa Thiếu Lâm.

Thêm

Ở Đài Loan, có một tổ chức đã công bố giải thưởng 50000 đô la cho người nào bày được thế cờ Trân Lung như Kim Dung mô tả trong truyện. Tuy nhiên sau nhiều năm, không có kết quả. Các bậc cao thủ vi kỳ cũng đã chứng minh, không thể có một thế cờ như vậy.

Tham khảo

Thiên Long Bát Bộ - bản dịch của Nguyễn Duy Chính
Phim truyền hình Thiên Long Bát Bộ -2003 do Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc sản xuất

Nguồn: http://tuhientrang.wikia.com/wiki/Tr%C3%A2n_Lung_k%E1%BB%B3_tr%E1%BA%ADn

Hãy yêu một cô gái chơi Cờ Vây

posted Apr 24, 2013, 7:38 AM by Nhược Lạc   [ updated May 16, 2013, 7:27 PM ]

Park Jieun
Hãy yêu một cô gái chơi cờ vây. Hãy yêu một cô gái có thể ngồi hàng giờ với những quân cờ đen trắng.


Bạn có thể dễ dàng tìm ra cô ấy chỉ với một....chiếc máy tính. Hãy kiên nhẫn đợi cô ấy trên các trang cờ vây trực tuyến như KGS, Tygem hay Wbaduk. Cô ấy sẽ xuất hiện vào thời điểm những cô gái khác còn đang bận bịu mua sắm hay vi vu trên đường, đăng nhập với một nickname bí ẩn và say sưa với những ván cờ. Nếu bạn nhìn thấy cô ấy tạo bàn cờ bên ngoài trang chủ, đừng ngần ngại nhấn vào ô đồng ý. Hoặc nếu không, hãy chủ động gửi tin nhắn mời cô ấy chơi một ván cờ.


Bạn cũng có thể nhận ra cô nàng giữa một quán cafe thưa người trên nền nhạc du dương. Cứ việc hỏi thăm chủ quán vì rất có thể nơi này cô nàng thường xuyên lui tới. Nếu nhìn thấy một cô nàng ngồi gọn trong góc, trước mặt là bàn cờ vây, bên cạnh là ly nước đã tan gần hết đá, thì bạn sẽ biết ngay đó chính là cô gái bạn đang tìm. Tiến tới và rủ cô ấy chơi một ván ngay thôi, ai thua sẽ phải mời người kia một chầu cafe hay bò bía. Vậy là chuyện thắng thua chẳng còn quan trọng nữa. Bạn đã có sẵn một lần hẹn tiếp theo và (rất có thể) là chốn kỷ niệm luôn cho hai người sau này.


Đó sẽ là cuộc hẹn hò lạ lùng và đáng nhớ nhất trong đời bạn từ trước đến nay. Vì bạn được chuyện trò cùng một cô nàng không chỉ bằng những ngôn từ (đôi khi không cách nào diễn tả được). Vì bạn có thể tìm hiểu ai đó chỉ bằng những nước đi trên bàn cờ gỗ, một cách tự nhiên, chân thành. Cô nàng chơi cờ có thể ưa phòng thủ hoặc ham thích tấn công, chỉ thường đi lấy đất hay đẩy ra giao tranh dữ dội. Bất luận thế nào, cô ấy cũng bộc lộ ra không chút giấu diếm. Còn bạn sẽ bất giác mỉm cười khi nhận ra sự nghiêm túc và hết sức tập trung qua ánh mắt hay bờ môi hơi mím lại của nàng.


Cần đảm bảo rằng bạn không có vấn đề gì với những câu chuyện của cờ vây. Bởi nhất định cô ấy sẽ luyên thuyên với bạn đủ điều về các joseki, fuseki, tesuji, moyo, miai.... Cô ấy sẽ lôi kéo bạn vào các bài tập sống chết, những kì phổ nổi tiếng và bản nhân phường Shusaku hay Go Seigen là những cái tên được nhắc đến thay vì các anh chàng ca sĩ đang lên. Vào cuối tuần, hai bạn sẽ hẹn hò ở hội cờ hay tại các quán cafe cho phép chơi cờ vây. Bạn sẽ được làm quen với một thế giới của những người chơi cờ vây khác. Thi thoảng bạn sẽ được hỏi mấy kyu hay mấy đẳng, và được rủ đánh độ một chầu bún bò hoặc bánh canh.


Đừng bao giờ đùa giỡn tình cảm với một cô gái chơi cờ vây. Vì cô ấy là người nhạy cảm hơn ai hết. "The way you play show the way you are" chính là như vậy. Cô ấy sẽ mau chóng nhận ra người khác có thật lòng với mình hay không. Nếu như bạn thực lòng yêu một cô gái chơi cờ vây, bạn sẽ được đáp đền bằng tấm lòng chân thành nàng dành riêng cho bạn, như cái cách nàng trân trọng từng quân cờ, từng giao điểm, từng trận đấu lớn nhỏ. Nàng sẽ là người luôn biết nhu - cương; biết khi nào công và lúc nào cần lui về phòng thủ. Nàng sẽ sống yêu thương và ôn hòa giữa bao người như thể một quân cờ bé nhỏ, nắm tay nhau cùng đi giữa bộ cờ 361 quân trắng - đen.


Sẽ thật may mắn nếu như bạn yêu một cô gái chơi cờ vây. Bạn sẽ hiểu thêm muôn vàn những bài học nhỏ nhoi từ cuộc sống. Chẳng hạn như cái cách bạn cúi chào đối thủ trước mỗi trận đấu, bạn hiểu ra sự tôn trọng và khiêm nhường đối với mọi người. Bạn cũng sẽ nhận ra tất cả những vinh - nhục ở đời, sau mỗi trận đấu hóa ra đều được dọn đi hết. Như sự thắng - thua từ mỗi ván cờ cũng không là gì cả, quan trọng hơn là cách bạn chơi như thế nào.


Nếu như đọc tới đây và bạn thấy mình mỉm cười, thì hãy yêu một cô gái chơi cờ vây. Hãy sẵn sàng khám phá thế giới diệu kỳ trong tâm hồn cô ấy. Hãy mua cho cô ấy những cuốn sách cờ, những bản kì phổ, hãy tặng cô ấy chiếc móc khóa có hình hai quân cờ trắng - đen bé nhỏ, hãy ngồi yên nghe cô ấy kể về trận đấu trên mạng tối qua.


Hay tốt hơn hết, hãy cùng cô ấy chơi một ván cờ.


24/04/2013


Nhược Lạc
@ Thư viện Cờ Vây [Fanpage @ Facebook]

*Khi sử dụng bài viết ở nơi khác, vui lòng ghi rõ nguồn.

Hình ảnh: Park Jieun
http://haengma.net/jeongganjang/big-trouble-for-japan-in-jeongganjang/

1-5 of 5